250 thủ tục đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia

Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2022 ước đạt 750 tỷ USD, tăng 12,18%, tương ứng tăng 81,46 tỷ USD so với năm 2021.

Tính đến ngày 15/12/2022, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) toàn ngành Hải quan đạt 119,4% dự toán, bằng 100% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 14,1% (so với cùng kỳ năm trước). Các cục hải quan tỉnh, thành phố có kết quả thu NSNN cao như: TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Quảng Nam, Cao Bằng, Đồng Tháp, Tây Ninh, An Giang, Cà Mau…

Đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Tổng cục Hải quan đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính kịp thời đưa ra các giải pháp quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực triển khai các hoạt động nghiệp vụ, giữ vững ổn định tình hình địa bàn. Kết quả, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng số 16.801 vụ việc vi phạm, tăng 15%, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 8.450 tỷ đồng, tăng 211%. Số thu ngân sách đạt 459 tỷ đồng, tăng 57,9%. Cơ quan hải quan khởi tố 48 vụ, tăng 23%.

Hải quan TP. Hồ Chí Minh kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: TH
Hải quan TP. Hồ Chí Minh kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: TH

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng triển khai tích cực các giải pháp cải cách, hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 88%. Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với trên 4,92 triệu bộ hồ sơ của hơn 54,8 nghìn doanh nghiệp.

Hướng tới quản lý điều hành, giám sát tập trung

Bước sang năm 2023, dự báo nền kinh tế trong nước có nhiều triển vọng lạc quan, song cũng còn những khó khăn, thách thức. Để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, năm 2023, Tổng cục Hải quan đặt ra những mục tiêu cụ thể.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, việc đảm bảo song hành hai nhiệm vụ quan trọng nhất là cải cách, tạo thuận lợi thương mại và quản lý nhà nước về hải quan, chống buôn lậu, gian lận thương mại vẫn sẽ được ưu tiên triển khai.

“Làm tốt việc tạo thuận lợi thì doanh nghiệp mới hoạt động tốt, từ đó kim ngạch xuất nhập khẩu mới tăng. Từ việc tăng kim ngạch thì công tác thu của ngành Hải quan mới triển khai tốt, đạt và vượt chỉ tiêu phấn đấu” – Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

Thời gian giải phóng hàng giảm gần 7 giờ

Năm qua, Tổng cục Hải quan đã triển khai đo thời gian giải phóng hàng cấp cục năm 2022. Căn cứ kết quả tính toán sơ bộ các khoảng thời gian chính, tổng thời gian từ khi hàng hóa đến đến cảng/cửa khẩu, đến khi hàng ra khỏi cảng/cửa khẩu năm 2022 là 127 giờ 13 phút 20 giây, giảm gần 7 giờ so với năm 2021. Thời gian thông quan trung bình của cả hàng nhập khẩu và xuất khẩu cũng đều giảm.

Về nhiệm vụ hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ quan hải quan đang sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy định về nghiệp vụ, thủ tục hải quan theo định hướng Hải quan số, tích hợp mô hình hải quan thông minh. Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, tinh thần hoàn thiện của ngành Hải quan là tập trung vào cụ thể hóa, tích hợp nghiệp vụ và thay đổi tập trung quản lý doanh nghiệp theo quy mô, không đánh đồng. Điều này sẽ phát huy được ưu thế của các doanh nghiệp lớn, thu hút đầu tư.

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học của cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin tổng thể của ngành Hải quan cũng sẽ được triển khai gấp rút. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã xây dựng các giải pháp hỗ trợ các yêu cầu quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo hướng quản lý điều hành tập trung tại cơ quan hải quan.

Cũng theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn, năm 2023 tình hình buôn lậu, gian lận thương mại sẽ ngày càng tinh vi hơn, phức tạp hơn. Do đó, các đơn vị hải quan cả nước phải chủ động có giải pháp đấu tranh hiệu quả, xác định trọng điểm, phát huy lợi thế của các hệ thống cơ sở dữ liệu để phục vụ kiểm tra, giám sát, đánh giá.

Tiếp tục nỗ lực tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đấu tranh chống buôn lậu

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tổng cục Hải quan ngày 22/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Hải quan đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, hoàn thành nhiệm vụ năm 2022, góp phần vào thành công chung của toàn ngành Tài chính.

Chỉ đạo những giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2023, Thứ trưởng nhấn mạnh một số điểm chính.

Trước tiên, Tổng cục Hải quan cần tiếp tục thực hiện nghiêm các nghị quyết về điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ; tích cực hoàn thiện cơ sở pháp lý trên cơ sở rà soát sửa đổi, bổ sung toàn diện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình thủ tục hải quan; chú trọng triển khai thực hiện các đề án công tác trọng tâm.

Cùng với đó là thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Dư địa cho hoạt động này còn rất nhiều, vì thế, Tổng cục Hải quan vẫn phải xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục với các giải pháp đồng bộ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ.

Thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên

Lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu ngành Hải quan tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Một điểm nữa là cần chú trọng các nội dung về chuyển đổi số toàn diện trong các lĩnh vực hải quan, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục thực hiện tốt vai trò điều phối trong việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; đôn đốc các bộ, ngành triển khai nhiệm vụ, đẩy mạnh cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại.

Về thu ngân sách, nhiệm vụ của Tổng cục Hải quan là phấn đấu đạt và vượt số thu đã được giao trong dự toán. Năm tới, dù khó khăn nhưng căn bản nhu cầu thông thương hàng hóa được dự báo sẽ không giảm so với năm 2022. Tổng cục Hải quan cần triển khai giao nhiệm vụ đến từng đơn vị, từng cục, từng chi cục ngay từ đầu năm để thực hiện hiệu quả nhất nhiệm vụ này.

Về ứng dụng công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Tổng cục Hải quan đã nhiều năm liên tục nằm trong Top dẫn đầu các đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Ngành Hải quan cần tiếp tục “giữ phong độ”, nỗ lực hoàn thành mục tiêu hải quan phi giấy tờ. Đồng thời, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo Cơ chế một cửa quốc gia và Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai các cơ chế này.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đề nghị toàn ngành Hải quan làm tốt hơn và hiệu quả hơn công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ trong công tác này.